Bụi mịn: những thông tin quan trọng bạn phải biết để bảo vệ sức khỏe

Bụi mịn tại Việt Nam

Bụi mịn là một yếu tố thường có mặt với nồng độ cao trong không khí bị ô nhiễm. Loại bụi này mang theo rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Bạn cần tìm hiểu mọi thông tin cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân một cách hiệu quả nhất.

Gần đây, tình trạng ô nhiễm liên tục tăng cao tại các thành phố lớn. Các báo cáo về chất lượng không khí cho thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 liên tục vượt ngưỡng giới hạn. Điều này kéo theo rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của mọi người dân. Hãy đảm bảo rằng bạn đã có trong tay mọi kiến thức liên quan tới loại bụi này. Chỉ khi đó, bạn mới có thể chủ động để kịp thời bảo vệ bản thân.

Hãy đọc các thông tin quan trọng sau đây về bụi mịn nhé!

1. Bụi mịn là gì?

Bụi mịn PM 2.5 và PM 10

Bụi mịn là các hạt lơ lửng có kích thước rất nhỏ trong không khí. Các hạt này là hỗn hợp thành phần của bụi, nước, bồ hóng, khói, kim loại… Kích thước của chúng nhỏ tới mức bạn không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bụi PM 2.5 có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Bụi PM 10 có kích thước nhỏ hơn 10 micromet.

2. Ngưỡng an toàn của bụi mịn tại Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra ngưỡng an toàn của loại bụi này tại Việt Nam.

Cụ thể:

  • Ngưỡng giới hạn của PM 2.5 là 50 microgam trên 1 mét khối không khí
  • Ngưỡng giới hạn của PM 10 là 150 microgam trên 1 mét khối không khí

Khi vượt quá các ngưỡng trên, không khí được coi là ô nhiễm. Nồng độ bụi tăng cao mang theo rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

3. Bụi mịn đến từ đâu?

Bụi mịn đến từ công trình xây dựng

PM 2.5 và PM 10 đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn đó có thể là trong nhà và ngoài nhà.

Đối với không khí ở bên ngoài, loại bụi này có nguồn gốc từ:

  • Các phương tiện giao thông
  • Các công trình xây dựng
  • Các khu công nghiệp
  • Hoạt động đốt cháy dầu, than, gỗ
  • Gió từ nước ngoài thổi về Việt Nam

Đối với không khí trong nhà, bụi mịn có thể xuất phát từ:

  • Hoạt động đun nấu: khi chiên rán thịt cá, nồng độ bụi mịn tăng cao trong không khí.
  • Đốt bếp than
  • Đốt bếp củi
  • Đốt lò sưởi
  • Thắp nhang
  • Hút bụi
  • Hút thuốc lá

4. Bụi mịn thường tăng cao khi nào?

Bụi mịn thường tăng cao vào mùa đông

Nồng độ PM 2.5 và PM 10 có chu kỳ tăng cao khác nhau tại các địa điểm. Ở Việt Nam, nồng độ các hạt này thường lên cao từ cuối tháng 9 đến tháng 11. Nguyên nhân gây ra điều này nằm ở thời tiết.

Từ cuối tháng 9, nhiệt độ có xu hướng giảm dần. Khi đó, đêm dài và ngày ngắn. Lớp không khí gần mặt đất lạnh đi nhanh hơn lớp không khí ở trên. Thông thường, sự đối lưu khiến cho lớp không khí có nhiệt độ cao dưới thấp phát tán lên cao. Khi phát tán, chúng cuốn theo các chất ô nhiễm và mang chúng đi xa. Đổi lại, khi lớp không khí phía dưới lạnh hơn, chúng không thể phát tán được. Hệ quả kéo theo là khói bụi ô nhiễm bị giữ lại dưới mặt đất.

Hiện tượng này còn được gọi bằng cụm từ hiện tượng nghịch nhiệt. Nếu quan sát, bạn dễ dàng nhận thấy gần đây lớp không khí tại thành phố hay bị bao phủ trong một lớp bụi. Do các đợt gió mùa đông bắc sắp tràn về, mọi người cần chú ý tới điều này để kịp thời bảo vệ bản thân trước bụi mịn.

5. Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?

PM 2.5 gây kích ứng hô hấp

PM 2.5 và PM 10 rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Chúng có thể xâm nhập vào hệ hô hấp, phổi và máu của bạn. Khi kích thước bụi càng nhỏ, chúng càng có khả năng len lỏi sâu hơn vào các hệ cơ quan.

Sự tiếp xúc ngắn hạn với các loại bụi này có thể gây ra kích ứng cho da, mắt và hệ hô hấp. Sự tiếp xúc dài hạn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm, điển hình là:

  • Hen suyễn
  • Bệnh tim mạch
  • Ung thư

Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc hít thở không khí có nồng độ bụi cao cũng gây ra trầm cảm và mất trí nhớ. Những đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, người có vấn đề hô hấp và tim mạch là có nguy cơ đặc biệt cao.

6. Cách theo dõi nồng độ bụi mịn

Bạn có thể theo dõi PM 2.5 và PM 10 qua nhiều nguồn khác nhau. Điều quan trọng là các nguồn thông tin này phải thật chính xác. Bạn không nên tin vào bất cứ ứng dụng nào không công bố các nguồn thông tin minh bạch.

Tại Việt Nam, bạn có thể theo dõi chất lượng không khí tại các trang web:

  • Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường (hãy nhấn vào liên kết này)
  • Trạm Quan trắc của Đại sứ quán Mỹ (hãy nhấn vào liên kết này)

Xem thêm: >> Chất lượng không khí tại Hà Nội: các trang web uy tín mà bạn nên theo dõi

7. Các cách bảo vệ bản thân khỏi bụi mịn hiệu quả

Uống nước để chống lại tác hại của bụi mịn

Bạn có thể thực hiện rất nhiều biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi PM 2.5 và PM 10. Cụ thể, các biện pháp đó bao gồm:

  • Hạn chế tối đa việc ra ngoài đường khi nồng độ bụi tăng cao
  • Đóng kín cửa sổ
  • Dùng mặt nạ loại chống được bụi mịn và phải đeo mặt nạ đúng cách
  • Sử dụng máy lọc không khí
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ để thải độc tố khỏi cơ thể
  • Uống nước thường xuyên. Điều này là rất quan trọng, bởi nước giúp bạn đào thải độc tố.

Kết luận

PM 2.5 và PM 10 có mặt ở mọi nơi quanh bạn. Nếu bạn sống ở thành phố, hoặc nông thôn các vùng diễn ra nhiều hoạt động nông nghiệp hay xây dựng, bạn cần hết sức lưu ý đến việc bảo vệ bản thân. Hãy ghi nhớ các thông tin trên để có thể áp dụng một cách hiệu quả cho chính mình nhé!

Xem thêm:

>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí

>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

>> Thực trạng ô nhiễm không khí: những thống kê báo động tại Hà Nội

>> Hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe của bạn là gì?

>> Không khí ô nhiễm: bạn cần làm gì để giảm tối đa nguy cơ cho sức khỏe?