Nhức mỏi mắt: hiểu nhanh về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị nhức mỏi mắt

Nhức mỏi mắt là tình trạng gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng này là rất phổ biến trong thế giới hiện đại. Bạn cần nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị để bảo vệ sức khỏe của mắt. 

Nhức mỏi mắt là tình trạng sức khỏe mà bất cứ người trưởng thành nào cũng từng trải qua. Mặc dù không phải là một chứng bệnh, mỏi mắt vẫn gây suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Hãy đọc các thông tin dưới đây để hiểu nhanh về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị mỏi mắt nhé!

1. Nhức mỏi mắt là gì?

Nhức mỏi mắt là một tình trạng sức khỏe xảy ra ở mắt. Khi đó, bạn cảm thấy mắt đau nhức, mỏi và khô. Tình trạng này không được coi là bệnh tật và không cần điều trị bằng y khoa. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị để mắt không bị mỏi.

2. Triệu chứng của nhức mỏi mắt

Tình trạng nhức mỏi mắt

Có nhiều triệu chứng liên quan tới mỏi mắt. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, bạn sẽ có những triệu chứng khác nhau. Thông thường, các triệu chứng hay gặp phải ở người bị mỏi mắt bao gồm:

  • Đỏ mắt
  • Khô mắt
  • Cay mắt
  • Chảy nước mắt
  • Nhìn mờ
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Cảm thấy nặng nề trong mắt
  • Nhức đầu
  • Đau lưng, cổ và vai
  • Buồn nôn

3. Nguyên nhân gây nhức mỏi mắt

Nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi

Các nguyên nhân gây ra hiện tượng này là rất đa dạng. Một số yếu tố phổ biến gây ra tình trạng mỏi mắt và nhức mắt bao gồm:

  • Thiếu ngủ
  • Khóc nhiều
  • Tiếp xúc với ánh sáng rất mạnh
  • Tập trung quá lâu với cường độ cao, ví dụ như khi lái xe

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thiết bị điện tử hiện đại có tác động tiêu cực đến mắt. Các hoạt động thường xuyên sau đây được coi là khiến cho mắt bị căng thẳng:

  • Sử dụng điện thoại thông minh
  • Sử dụng máy tính
  • Sử dụng máy tính bảng
  • Lướt internet
  • Chơi game
  • Nhắn tin
  • Soạn email

Ngoài ra, có một số yếu tố khác đến từ môi trường có thể khiến cho mắt bị nhức, bao gồm:

  • Khói thuốc lá
  • Ô nhiễm
  • Bụi
  • Điều hòa (gây khô mắt)

Đặc biệt, một số loại thuốc kê theo toa có thể ảnh hưởng đến tình trạng của mắt. Nếu bạn đang sử dụng thuốc và cảm thấy mắt bị mỏi, hãy liên hệ với bác sỹ điều trị. Khi đó, bạn có thể được sử dụng loại thuốc thay thế để chấm dứt sự khó chịu ở mắt.

4. Cách xử trí khi bị mỏi mắt

Cách xử trí khi nhức mỏi mắt

Trước khi đến gặp bác sỹ, bạn hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sau đó, bạn hãy làm mọi cách để không cho bản thân tiếp xúc với các nguyên nhân đó. Bạn có thể thử một số biện pháp sau đây:

  • Ngủ đủ giấc: một giấc ngủ ngon chắc chắn có thể cải thiện đáng kể tình trạng của mắt
  • Xem xét ánh sáng mà mắt tiếp xúc. Thông thường, ánh sáng có độ tương phản cao sẽ làm mắt bị căng thẳng hơn. Dù bạn đọc sách, làm việc hay xem TV, hãy đảm bảo rằng môi trường bạn ở có ánh sáng đều. Khi đó, mắt bạn sẽ không còn phải cố gắng điều tiết và sẽ giảm tình trạng nhức mỏi.
  • Nghỉ giải lao. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Dù công việc của bạn liên quan đến máy tính hay đơn giản chỉ là khâu vá, bạn cần dành ra các khoản nghỉ ngắn hạn. Bạn có thể đặt mục tiêu nghỉ ngơi 5 phút sau mỗi tiếng làm việc. Khi đó, mắt sẽ được thư giãn và có đủ sự dẻo dai để bạn quay lại công việc của mình.
  • Đảm bảo bản thân đeo mắt kính phù hợp. Bạn cần đi kiểm tra thị lực thường xuyên để đảm bảo mắt kính mình sử dụng phù hợp với thị lực. Khi đeo sai kính, mắt sẽ phải gắng sức để nhìn rõ. Lâu ngày, vấn đề sẽ có thể tiến triển sang những bệnh lý nặng hơn.

Thông thường, các biện pháp trên sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu sau một thời gian mà tình trạng này vẫn không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sỹ. Có thể có một bệnh lý tiềm ẩn ở phía sau gây nhức mắt mà bạn không hay biết. Thông thường, các bệnh lý này sẽ đi kèm các triệu chứng khác không được kể ra ở trên. Hãy quan sát kỹ lưỡng để kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục cho bản thân nhé!

Xem thêm:

>> Dấu hiệu sốt xuất huyết phổ biến mà bạn phải biết

>> Cơ thể thiếu nước thường dẫn tới những vấn đề sức khỏe gì?

>> Cách trị nẻ môi hiệu quả: những phương pháp tạm thời và dài lâu