Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

Hiện tượng nghịch nhiệt gây ô nhiễm không khí

Hiện tượng nghịch nhiệt đang nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân. Hiện tượng này là gì? Hiện tượng này có mối liên quan gì với ô nhiễm không khí?

Gần đây, cư dân sống tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, đang lo lắng trước các lớp sương mù bao phủ khắp thành phố. Thông tin từ Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường cho biết điều này được gây ra do hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là một khái niệm còn lạ lẫm với rất nhiều người.

Vậy, hiện tượng nghịch nhiệt là gì? Hiện tượng này được gây ra từ nguyên nhân nào? Và ô nhiễm không khí có mối liên quan như thế nào với hiện tượng đó?

Hãy đọc thông tin dưới đây để tìm hiểu câu trả lời nhé!

Hiện tượng nghịch nhiệt là gì?

Thông thường, nhiệt độ của khí quyển giảm dần theo độ cao. Điều này có nghĩa là càng lên cao, bạn càng cảm thấy lạnh hơn. Nếu đã từng đến thăm Sapa và leo lên đỉnh núi Fansipan, bạn chắc chắn đã trải nghiệm rất rõ điều này. Nhiệt độ ở Sapa thường thấp hơn hẳn các vùng khác của Bắc bộ. Vào mùa hè, du khách khi đến thăm thành phố này thường mặc áo khoác mỏng hoặc áo thu đông.

Tuy nhiên, khi leo núi Fansipan, chắc chắn bạn sẽ lạnh cóng nếu không mang theo một chiếc áo khoác thật dày dặn. Nguyên nhân là bởi nhiệt độ trở nên thấp hơn khi bạn di chuyển đến những vùng cao hơn. Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên.

Trong một số trường hợp, hiện tượng này bị đảo ngược. Lúc đó, lớp không khí ở trên cao có nhiệt độ cao hơn lớp không khí ở phía dưới. Khi hiện tượng này xảy ra, chúng ta gọi nó là “hiện tượng nghịch nhiệt”.

Phân loại hiện tượng nghịch nhiệt

Hiện tượng này được phân làm hai loại chính: nghịch nhiệt vĩnh viễn và nghịch nhiệt bề mặt.

Nghịch nhiệt vĩnh viễn

Hiện tượng nghịch nhiệt vĩnh viễn

Nghịch nhiệt vĩnh viễn là một hiện tượng mà bạn không thể dùng mắt thường để quan sát. Nguyên nhân là bởi điều này xảy ra ở tầng bình lưu. Tầng bình lưu nằm ở rất cao phía trên chúng ta, cách xa mặt đất và có độ cao nằm trong khoảng từ 17 đến 50km.

Nghịch nhiệt bề mặt

Hiện tượng nghịch nhiệt bề mặt xảy ra trực tiếp trên bề mặt trái đất – ngay trong tầng đối lưu. Tầng đối lưu là tầng thấp nhất của lớp khí quyển, bao gồm chính lớp không khí bao trùm lấy chúng ta hàng ngày. Sự nghịch nhiệt ở tầng đối lưu – hay bề mặt trái đất, chính là hiện tượng nghịch nhiệt mà các cơ quan môi trường đang nói tới gần đây. Hiện tượng này xảy ra khi bề mặt trái đất được làm mát nhanh chóng, do đó nhiệt độ dưới mặt đất thấp hơn nhiệt độ ở trên cao.

Vào giai đoạn tháng 11 – 12, các tỉnh thành Bắc bộ đang bước vào mùa đông, cũng là giai đoạn đêm dài và mặt trời ở thấp. Trong thời gian này, bầu khí quyển ở trên cao có nhiệt độ cao hơn lớp không khí dưới mặt đất. Đó là lí do vì sao gần đây, nếu thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, bạn thường xuyên nghe thấy cụm từ “nghịch nhiệt”.

Ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt lên ô nhiễm không khí

Hiện tượng nghịch nhiệt gây ô nhiễm không khí

Nghịch nhiệt là một hiện tượng có ảnh hưởng lớn đến ô nhiễm không khí. Phạm vi và cường độ của các tác động từ hiện tượng nghịch nhiệt lên ô nhiễm không khí có thể là tạm thời, cục bộ hoặc lâu dài, toàn cầu. Điều này phụ thuộc vào việc nghịch nhiệt xảy ra ở trên cao (nghịch nhiệt vĩnh viễn) hay ở dưới thấp (nghịch nhiệt bề mặt).

Tầng bình lưu là tầng nằm trên cao và bao trùm lên tầng đối lưu – ngôi nhà của chính chúng ta. Do đó, nghịch nhiệt xảy ra ở tầng bình lưu, hay còn gọi là nghịch nhiệt vĩnh viễn, ảnh hưởng đến không khí của toàn cầu trong một khoảng thời gian dài.

Nghịch nhiệt bề mặt xảy ra trực tiếp trên bề mặt của trái đất. Nó có thể gây ra những ảnh hưởng về ô nhiễm không khí trong một khoảng thời gian ngắn và chỉ mang tính cục bộ – tức là tại một số khu vực nhất định.

Thông thường, lớp không khí ngay trên bề mặt trái đất có nhiệt độ cao hơn lớp không khí ở phía trên.. Khi đó, lớp không khí ấm này có thể dễ dàng phát tán lên cao và mang theo những thành phần trong đó. Khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, không khí ở bên dưới lạnh hơn, còn không khí ở trên cao lại ấm hơn. Lớp không khí lạnh không thể phát tán lên, do đó sẽ ở lại gần mặt đất và giữ lại những thành phần mà nó mang theo.

Lớp không khí bề mặt bao gồm rất nhiều chất ô nhiễm. Khói bụi từ xe cộ và các khu công nghiệp liên tục được xả vào lớp không khí này. Thông thường, khi lớp không khí bề mặt ấm hơn lớp không khí trên cao, các chất ô nhiễm này được phát tán ra xa. Bạn nhận thấy vào những ngày này, không khí sạch hơn và trong hơn. Ngược lại, khi nghịch nhiệt xảy ra, lớp không khí lạnh bên dưới không thể phát tán. Các chất ô nhiễm và bụi bẩn do đó bị giữ lại ngay trên bề mặt trái đất. Trong những ngày có nghịch nhiệt, bạn sẽ thấy không khí bẩn, mặt đất như được bao phủ một lớp sương mù.

Như vậy, nghịch nhiệt bề mặt là một hiện tượng bất lợi cho đời sống của chúng ta, bởi nó là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tạm thời.

Kết luận

Như vậy, bạn đã hiểu được nghịch nhiệt là gì, cũng như cách phân loại và ảnh hưởng của nó lên ô nhiễm không khí. Nghịch nhiệt bề mặt, hay hiện tượng nghịch nhiệt mà các trang thông tin đại chúng đang nói tới, gây ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của bạn. Lớp không khí bề mặt lạnh hơn lớp không khí trên cao khiến cho các chất ô nhiễm không thể phát tán. Thay vào đó, các chất ô nhiễm này bị giữ lại ở dưới thấp, gây ra một lớp sương mỏng bao quanh khắp thành phố. Bạn nên hạn chế ra ngoài trong những ngày này, và phải đặc biệt bảo vệ bản thân nếu phải tham gia giao thông.

Hãy chia sẻ thông tin này đến người thân và bạn bè để mọi người có thể hiểu rõ về hiện tượng nghịch nhiệt cũng như có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, bạn nhé!

Xem thêm:

>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm môi trường không khí

>> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí