Hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe của bạn là gì?

Hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe

Hậu quả của ô nhiễm không khí bao phủ lên tất cả khía cạnh của đời sống hàng ngày. Ảnh hưởng trực tiếp nhất nằm ở chính sức khỏe của bạn.

Hiện tại, người dân tại khu vực thành thị đang chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm không khí. Cụ thể, trong 3 tháng gần đây, thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội liên tục diễn biến tiêu cực. Chất lượng không khí kém mang lại nhiều nguy cơ cho bạn và người thân. Bạn đã biết về các nguy cơ này hay chưa? Để bảo vệ thật tốt bản thân, bạn cần nắm rõ những vấn đề sức khỏe mà mình có thể gặp phải.

Hãy đọc các thông tin sau đây để hiểu rõ về hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe của bạn nhé!

Những đối tượng dễ chịu ảnh hưởng từ hậu quả của ô nhiễm không khí

Phụ nữ mang thai dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí

Những đối tượng dễ gặp các vấn đề sức khỏe từ ô nhiễm không khí nhất bao gồm:

  • Người mắc bệnh tim, bệnh mạch vành hoặc suy tim sung huyết
  • Các cá nhân mắc bệnh về phổi. Cụ thể: hen suyễn, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Người lao động ngoài trời
  • Phụ nữ có thai
  • Trẻ em
  • Người cao tuổi
  • Vận động viên tập ngoài trời

Những người thuộc các nhóm kể trên dễ gặp nguy cơ về sức khỏe hơn những người còn lại. Ví dụ, cùng với mức chất lượng không khí kém tính theo AQI, những người này nhạy cảm với không khí hơn những người khác. Đồng thời, những vấn đề họ gặp phải có mức độ mạnh mẽ và nặng nề hơn.

Nếu bạn nằm trong những đối tượng kể trên, bạn cần hết sức cẩn thận.

1. Hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe nói chung

 

Hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe

Tất cả mọi người đều cần không khí để hít thở. Chỉ cần hít vào không khí bị ô nhiễm, bạn đã có nguy cơ gặp phải vấn đề sức khỏe. Ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng có thể gặp một số tình trạng như:

  • Kích thích hô hấp
  • Khó thở

Ảnh hưởng của những nguy cơ này phụ thuộc vào:

  • Sức khỏe hiện tại của bạn
  • Loại chất ô nhiễm trong không khí
  • Nồng độ chất ô nhiễm trong không khí
  • Thời gian bạn tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm

Hậu quả tức thời của ô nhiễm không khí mức độ cao:

Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về tim mạch

Nếu không khí bị ô nhiễm nặng nề, bạn có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe sau đây:

  • Các bệnh về hô hấp và tim mạch
  • Phổi và tim chịu nhiều áp lực hơn do phải gắng sức để cung cấp đủ oxy cho cơ thể
  • Các tế bào trong hệ hô hấp bị hư hại

Hậu quả lâu dài khi tiếp xúc lâu với không khí bị ô nhiễm:

Ô nhiễm không khí gây hen suyễn

Nếu bạn liên tục phải hít thở không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài, bạn sẽ gặp các vấn đề mãn tính. Những vấn đề này hết sức nguy hại cho sức khỏe của bạn, bao gồm:

  • Phổi lão hóa nhanh hơn
  • Mất dung tích phổi
  • Giảm chức năng phổi
  • Mắc hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng, thậm chí là ung thư
  • Giảm tuổi thọ

2. Hậu quả đối với sức khỏe từ các chất gây ô nhiễm cụ thể

Những hậu quả đã kể ở trên bao gồm nguy cơ đến từ tất cả các chất gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một số chất gây ô nhiễm là đặc biệt nguy hại. Cụ thể, ozone mặt đất và các hạt lơ lửng trong không khí luôn là hai yếu tố được theo dõi chặt chẽ. Những tác nhân này sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khi nồng độ tăng vượt ngưỡng cho phép.

Nguy cơ sức khỏe từ ozone mặt đất

Ozone mặt đất được hình thành khi các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và các oxit nito phản ứng với tia cực tím. Nguồn chính của các hợp chất này đến từ:

  • Các phương tiện giao thông: xe hơi, xe tải, xe buýt
  • Các thiết bị dùng trong xây dựng
  • Các thiết bị dùng trong nông nghiệp

Ozone mặt đất gây đau nhức đầu

Ozone mặt đất là một chất gây kích thích mạnh. Vấn đề sức khỏe bạn có thể gặp khi nồng độ ozone mặt đất tăng cao bao gồm:

  • Co thắt đường thở
  • Khí phế thũng, viêm phế quản và hen suyễn
  • Tổn thương phổi, ngay cả sau khi ho và đau họng đã biến mất
  • Thở khò khè
  • Đau ngực
  • Khô họng
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Suy giảm miễn dịch
  • Hiệu suất chơi thể thao suy yếu

Nguy cơ sức khỏe đến từ các hạt lơ lửng trong không khí

Các hạt lơ lửng trong không khí – viết tắt là PM – chỉ những hạt rất nhỏ có trong không khí. PM 2.5 và PM 10 là những chỉ số quen thuộc được sử dụng để xác định chất lượng không khí. PM 2.5 bao gồm các hạt có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. PM 10 bao gồm các hạt có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Ngoài ra, còn những hạt khác có kích thước nằm ngoài phạm vi kể trên.

Các hạt này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của bạn. Khi bạn hít thở không khí bị ô nhiễm, các hạt lơ lửng sẽ đi sâu vào đường hô hấp. Các hạt các nhỏ càng có khả năng thâm nhập sâu vào cơ thể bạn. PM 2.5 có thể đi vào trong máu. Tim và phổi của bạn là những cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng.

PM 2.5 gây kích ứng mắt

Ngay cả khi khỏe mạnh, bạn vẫn có thể gặp phải các nguy cơ sức khỏe sau đây:

  • Kích ứng mắt, mũi và họng
  • Ho
  • Tức ngực
  • Khó thở

Sự tiếp xúc ngắn hạn với các hạt lơ lửng (tính theo nhiều giờ hoặc nhiều ngày) có thể gây ra các vấn đề:

  • Hen và viêm phế quản cấp tính
  • Tăng nhạy cảm với các nhiễm trùng đường hô hấp
  • Gây ra các cơn đau tim và rối loạn nhịp tim ở người bị bệnh tim

Sự tiếp xúc dài hạn với các hạt lơ lửng (tính theo nhiều tháng hoặc năm) có thể gây ra các vấn đề:

  • Các vấn đề về hô hấp gia tăng. Cụ thể: kích thích đường thở, ho hoặc khó thở
  • Chức năng phổi giảm
  • Hen suyễn nặng
  • Các bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ em
  • Viêm phế quản mãn tính
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Nhịp tim không đều
  • Đau tim
  • Tử vong ở những người mắc bệnh tim hoặc phổi, bao gồm tử vong do ung thư phổi

3. Kết luận

Hậu quả của ôn nhiễm không khí lên sức khỏe của bạn là rất nặng nề. Dù là hậu quả mang tính cấp tính hay mãn tính, sức khỏe của bạn đều bị suy giảm. Bạn nên chủ động theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí thường xuyên để kịp thời đưa ra biện pháp phòng tránh thích hợp. Hiện nay, Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường liên tục cập nhật những báo cáo mới nhất về chất lượng không khí. Bạn hãy chia sẻ bài viết này cho người thân và bạn bè để cùng nhau bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả nhé!

Xem thêm:

>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí

>> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí

>> Thực trạng ô nhiễm không khí: những thống kê báo động tại Hà Nội

>> Ô nhiễm không khí được gây ra bởi những nguyên nhân nào?