PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí

PM 2.5 và PM 10 trong không khí

PM 2.5 và PM 10 là những khái niệm chắc chắn bạn đã gặp nếu quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí. Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường thường sử dụng chỉ số AQI cũng như PM 2.5 và PM 10 để báo cáo tình trạng không khí hàng ngày.

Vậy, bạn đã hiểu về những con số này hay chưa? Những chỉ số này cho thấy điều gì? Chúng có liên quan gì với ô nhiễm môi trường không khí?

Hãy đọc các thông tin sau đây để cùng tìm hiểu nhé!

PM 2.5 và PM 10 là gì?

Kích thước PM 2.5 và PM 10

PM là viết tắt của Particulate Matter – chỉ hỗn hợp các hạt rắn và các giọt chất lỏng rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Các hạt này nhỏ đến mức bạn không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường.

PM 2.5 được dùng để chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Kích thước này bằng khoảng 3% đường kính của tóc người. Các hạt thuộc nhóm PM 2.5 nhỏ tới mức chỉ kính hiển vi điện tử mới có thể phát hiện ra chúng.

Các hạt PM 2.5 có kích thước nhỏ hơn các hạt thuộc nhóm PM 10. PM 10 bao gồm các hạt có đường kính nhỏ hơn 10 micromet.

Các hạt PM 10 và PM 2.5 được gọi là bụi mịn. Chúng bao gồm các hỗn hợp phức tạp của cao su, bồ hóng, khói, kim loại, nitrat, sunfat, bụi nước, v.v… Các hạt này có thể lan rộng hơn do các hoạt động đốt rác thải và do các công trình xây dựng.

Nguồn PM 2.5 và PM 10

Nguồn bụi mịn

Các hạt bụi li ti này đến từ rất nhiều nguồn khác nhau trong đời sống hàng ngày. Các nguồn gây ra bụi có thể là con người hoặc từ chính thiên nhiên.

Thông thường, các nguồn chính tạo ra PM đến từ khí thải ô tô, hoạt động nấu nướng và bụi nói chung. Các nguồn phụ tạo ra PM bao gồm các phản ứng phức tạp của hóa chất như sunfua dioxit và nito oxit. Khi được trộn lẫn trong không khí, các hạt này gây ra sự ô nhiễm.

Ngoài ra, cháy rừng, đốt củi, khói nông nghiệp, khói công nghiệp, bụi từ công trường xây dựng cũng gây ô nhiễm không khí.

Tác hại đến sức khỏe của PM 2.5 và PM 10

Tác hại đến sức khỏe của PM 2.5 và PM 10

Do kích thước quá nhỏ, các hạt PM 2.5 và PM 10 có thể coi như chính các phân tử không khí. Chúng có thể xâm nhập vào phổi, khiến cho người hít thở bị ho và hen suyễn. Thậm chí, người hít thở phải các loại bụi này có thể bị huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, dẫn đến việc tử vong sớm.

Khi nồng độ bụi lên quá cao, chúng tạo thành một lớp màng bao phủ trong không khí. Tầm nhìn của mọi người sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là hiện tượng mà gần đây người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gặp phải. Với quá nhiều bụi mịn trong không khí, sức khỏe của bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Cụ thể, các tình trạng sức khỏe mà bạn có thể gặp phải do bụi mịn bao gồm:

  • Vấn đề về hô hấp
  • Kích ứng ở mắt, mũi và họng
  • Co thắt ngực
  • Gặp các vấn đề về phổi
  • Nhịp tim bất thường

Những đối tượng dễ gặp nguy cơ do bụi mịn

Đối tượng dễ gặp nguy cơ từ bụi mịn

Tất cả mọi người đều cần không khí để hít thở. Khi bạn hít thở không khí có chứa nhiều PM 2.5 và PM 10, bản thân bạn đã gặp nguy cơ về sức khỏe. Thông thường, người dân ở thành thị gặp nguy cơ cao hơn người sống ở nông thôn. Những đối tượng gặp nguy cơ cao nhất khi tiếp xúc với các loại bụi này bao gồm:

  • Trẻ em
  • Người già
  • Phụ nữ mang thai
  • Người mắc các bệnh về phổi
  • Người mắc bệnh tim

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã cảnh báo về ảnh hưởng của PM 2.5 lên tỷ lệ tử vong và sức khỏe tim mạch. Cụ thể, khi tiếp xúc với bụi thuộc nhóm PM 2.5 từ vài giờ đến vài tuần, mọi người có thể gặp các bệnh về tim mạch và các tình trạng sức khỏe chưa dẫn tới tử vong. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên rất cao nếu sự tiếp xúc với không khí chứa bụi mịn kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm. Khi đó, nguy cơ tử vong do tim mạch tăng, nguy cơ tử vong cũng tăng lên đáng kể.

Ngưỡng an toàn của PM 2.5 và PM 10 trong không khí

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT để đưa ra ngưỡng cho phép của bụi mịn. PM 2.5 ở mức 50 microgam trên 1 mét khối được coi là ngưỡng an toàn. Đối với PM 10, ngưỡng an toàn là 150 microgam trên 1 mét khối. Khi lượng bụi mịn ở dưới các ngưỡng này, người dân sẽ không gặp hoặc gặp rất ít rủi ro về sức khỏe. Ngược lại, khi lượng bụi mịn vượt quá ngưỡng đề xuất, bạn cần hết sức cẩn trọng. Các vấn đề sức khỏe có thể xảy tới trước khi bạn kịp nhận ra và phòng tránh.

Cách bảo vệ bản thân khỏi bụi mịn

Bảo vệ bản thân khỏi PM 2.5 và PM 10

 

Để bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ đến từ bụi mịn, bạn nên:

  • Sử dụng khẩu trang loại có thể chống bụi mịn khi ra ngoài đường
  • Tránh tập thể dục ngoài đường vào những ngày ô nhiễm không khí ở mức độ cao
  • Không hút thuốc ở cả trong nhà và ngoài trời
  • Sử dụng máy lọc không khí trong nhà
  • Trong những ngày ô nhiễm nặng, tạm thời di chuyển đến nơi khác một thời gian nếu có thể

Kết luận

PM 2.5 và PM 10 gồm các hạt bụi mịn trong không khí. Hiện nay, các hạt bụi này đang tăng cao ở đô thị do các hoạt động từ giao thông và sản xuất công nghiệp. Nếu bạn sống ở thành phố, bạn cần hết sức cẩn thận để bảo vệ bản thân và gia đình. Hàng ngày, bạn nên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt tình trạng ô nhiễm không khí. Hoặc, bạn có thể truy cập trang web của Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường để cập nhật tình tràng các chỉ số PM 2.5, PM 10 và AQI.

Hãy chia sẻ bài viết để bảo vệ bản thân và những người thân yêu, bạn nhé!

Xem thêm:

>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm môi trường không khí

>> Thực trạng ô nhiễm không khí: những thống kê báo động tại Hà Nội