Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí

Chỉ số AQI hiện đang được sử dụng rộng rãi để phản ánh chất lượng không khí. Vậy, chỉ số này là gì? Các giá trị chỉ số AQI khác nhau sẽ có ý nghĩa như thế nào về tình trạng ô nhiễm không khí?

Hãy đọc các thông tin sau đây để hiểu hơn về chỉ số này nhé!

Chỉ số AQI là gì?

AQI là các chữ cái viết tắt của “Air Quality Index” – chỉ số chất lượng không khí. Chỉ số này được sử dụng để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Dựa vào AQI, bạn có thể biết không khí ở một địa điểm nhất định là trong lành hay ô nhiễm, và ô nhiễm ở mức độ nào.

Chỉ số AQI còn tập trung vào những vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải sau vài giờ hoặc vài ngày hít thở không khí ô nhiễm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã tính toán chỉ số này dựa trên 5 chất gây ô nhiễm không khí chính được quy định bởi Đạo luật Không khí sạch. 5 chất này bao gồm:

  • Ozone mặt đất
  • Bụi trong không khí (PM)
  • Cacbon monoxit (CO)
  • Lưu huỳnh điôxit (SO2)
  • Nitơ điôxit (NO2)

Trong các chất gây ô nhiễm trên, ozone mặt đất và bụi trong không khí được coi là hai yếu tố gây nguy hiểm nhất cho sức khỏe con người.

Cách đọc chỉ số AQI

AQI được coi như một thước đo chạy từ 0 đến 500. Khi giá trị AQI càng cao, mức độ ô nhiễm càng lớn. Khi đó, khả năng con người gặp phải các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí cũng tăng lên.

Ví dụ, AQI 50 cho thấy không khí có chất lượng tốt. Người dân sống trong khu vực đó không có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe từ không khí. Ngược lại, AQI 300 nằm ở mức nguy hại. Mọi người cần hết sức cảnh giác để bảo vệ sức khỏe khi sống trong các khu vực này.

Thông thường, AQI 100 là mức độ tiêu chuẩn được đặt ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khi AQI thấp hơn 100, chất lượng không khí được công nhận là khỏe mạnh cho mọi người. Khi lên cao hơn 100, không khí bắt đầu có nguy cơ gây hại cho những người nhạy cảm. Giá trị của AQI càng lớn thì mọi người càng có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nhiều hơn.

Cụ thể, chỉ số AQI được chia làm 6 mức độ với 6 màu sắc khác nhau, được trình bày trong bảng dưới đây:

Chỉ số AQI được chia làm nhiều mức độ khác nhau

 

Ý nghĩa cụ thể của các giá trị AQI

Mỗi khoảng giá trị của chỉ số AQI cho thấy một mức độ khác nhau chất lượng không khí. Các màu sắc được sử dụng để người dân có thể nhanh chóng hình dung mức độ ô nhiễm ở nơi họ sinh sống. Tương ứng với mỗi mức độ, các vấn đề sức khỏe mà người dân gặp phải cũng khác nhau. Cụ thể:

  • AQI từ 0 đến 50: chất lượng không khí được coi là đạt yêu cầu. Người dân không gặp hoặc gặp rất ít các vấn đề sức khỏe.
  • AQI từ 51 đến 100: chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, ở mức độ này, có một số ít người có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe đến từ chất gây ô nhiễm trong không khí. Ví dụ, những người nhạy cảm với ozone có thể gặp các vấn đề về hô hấp.
  • AQI từ 101 đến 150: chất lượng không khí nằm ở mức kém. Phần đông người dân chưa gặp phải các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, những người mắc bệnh phổi, người lớn tuổi và trẻ em có nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc với ozone và bụi trong không khí.
  • AQI từ 151 đến 200: chất lượng không khí xấu. Mọi người bắt đầu gặp phải các ảnh hưởng đến sức khỏe. Những người thuộc các nhóm nhạy cảm như người cao tuổi, trẻ em và người mắc bệnh phổi gặp nguy cơ cao.
  • AQI từ 201 đến 300: chất lượng không khí rất xấu. Mọi người có thể gặp các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
  • AQI từ 301 đến 500: chất lượng không khí nằm ở mức nguy hại. Không khí có chất lượng ở mức độ này được coi là tình trạng khẩn cấp. Toàn bộ dân cư đều có khả năng rất cao bị ảnh hưởng và gặp các vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe.

Kết luận

Chỉ số AQI hiện đang được nhiều cơ quan môi trường sử dụng để phản ánh chất lượng không khí. Nếu đang sinh sống tại Việt Nam, bạn có thể sử dụng Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường để tìm hiểu chất lượng không khí hàng ngày. Dựa vào cách giải thích về chỉ số AQI ở trên, bạn hoàn toàn có thể hiểu được mức độ ô nhiễm không khí cũng như nguy cơ gặp phải cho sức khỏe.

Hiện nay, do hiện tượng nghịch nhiệt đang xảy ra tại các thành phố lớn, không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bạn hãy chú ý theo dõi chỉ số AQI để kịp thời bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình nhé!

Xem thêm:

>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

>> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí