Không khí ô nhiễm: bạn cần làm gì để giảm tối đa nguy cơ cho sức khỏe?

Không khí ô nhiễm: cần làm gì để bảo vệ bản thân?

Không khí ô nhiễm đang là tình trạng báo động tại các đô thị lớn của Việt Nam. Gần đây, thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội cho thấy những diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới tất cả mọi cá nhân. Nguyên nhân là bởi hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe hết sức khôn lường.

Khi không khí bị ô nhiễm, bạn cần làm mọi cách có thể để bảo vệ bản thân tối đa. Các ảnh hưởng của chất gây ô nhiễm có thể là tức thời, hoặc vô hình và cần nhiều thời gian mới gây triệu chứng bệnh.

Đến nay, bạn đã thực hiện những biện pháp nào để bảo vệ bản thân khỏi ô nhiễm không khí? Bạn hãy đọc những thông tin dưới đây để biết về những biện pháp bảo vệ bản thân một cách chi tiết nhất nhé!

1. Ở trong khu vực có máy lọc không khí

Không khí ô nhiễm: nên ở trong khu vực có máy lọc không khí

Các hạt lơ lửng trong không khí (viết tắt là PM) có thể xâm nhập vào nhà bạn thông qua cửa và khe hở. Đặc biệt, hiện nay, nồng độ bụi mịn PM 2.5 liên tục vượt ngưỡng an toàn. Nếu đang sinh sống ở thành phố, bạn nên cân nhắc mua máy lọc không khí.

Có nhiều loại máy lọc không khí khác nhau đang được bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, bạn cần tránh mua các loại máy hoạt động bằng cách tạo ozone. Những loại máy này làm tăng lượng ozone mặt đất và không tốt cho gia đình bạn.

Nếu bạn không có điều kiện mua máy lọc không khí, trong những ngày mức độ ô nhiễm tăng cao, bạn hãy cố gắng chuyển sang sống tạm thời tại một nơi có lắp đặt loại máy này. Ví dụ, bạn có thể tìm đến gia đình của họ hàng hoặc bạn bè. Điều này sẽ giúp bảo vệ cho sức khỏe của bạn.

2. Giảm thiểu vận động mạnh khi không khí ô nhiễm

Không khí ô nhiễm: không vận động mạnh

Trong thời gian chất lượng không khí bị suy giảm, bạn cần tránh các hoạt động nặng. Những hoạt động này khiến cho bạn thở nhanh và thở sâu hơn. Ví dụ, nhiều người dân có thói quen chạy bộ trong công viên hàng sáng. Hoặc, có những người thích đạp xe quanh Hồ Tây hàng ngày. Khi bạn hít thở nhanh và sâu hơn, các chất gây ô nhiễm cũng đi vào cơ thể bạn nhiều hơn. Đặc biệt, bụi mịn có thể len lỏi rất sâu vào hệ hô hấp của bạn. Điều này mang lại nguy cơ rất lớn cho sức khỏe của bạn.

Tốt nhất, trong những ngày không khí có chất lượng kém, bạn nên dành thời gian cho các hoạt động nhẹ nhàng trong nhà. Đọc sách, xem TV hoặc thư giãn giúp tinh thần của bạn thư thái. Bạn sẽ vừa không gặp nguy hiểm từ môi trường ô nhiễm, vừa có khoảng thời gian quý báu cho chính mình.

3. Bố trí một căn phòng thật sạch sẽ để ngủ

Bố trí phòng ngủ khi không khí ô nhiễm

Nếu bạn không thể mua máy lọc không khí cho cả nhà, bạn hãy cố gắng bố trí một căn phòng thật sạch sẽ để ngủ. Bạn hãy tham khảo các biện pháp sau đây:

  • Chọn một căn phòng có càng ít cửa sổ càng tốt
  • Đóng các cửa sổ lại để bụi mịn không thể vào phòng
  • Bật máy điều hòa khi ngủ. Bạn cần đảm bảo máy điều hòa không lấy không khí từ ngoài trời, và phải có bộ lọc. Bạn cũng cần gọi người bảo dưỡng đến kiểm tra để đảm bảo bộ lọc đạt tiêu chuẩn tốt nhất.
  • Điều lý tưởng hơn là sử dụng máy lọc không khí. Nếu có điều kiện, bạn hãy lắp một chiếc máy lọc không khí cho phòng ngủ. Một lần nữa, bạn hãy nhớ không chọn loại máy tạo ozone khi hoạt động.

4. Thực hiện các biện pháp làm giảm PM 2.5

Giảm PM 2.5

Những chiếc máy lọc không khí không thể đảm bảo tuyệt đối chất lượng không khí cho nhà bạn. Điều này có nguyên do từ việc bụi mịn có thể xâm nhập vào không gian trong nhà qua rất nhiều kẽ hở. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ từ ô nhiễm không khí, bạn hãy thực hiện các biện pháp làm giảm bụi mịn. Đặc biệt, bụi PM 2.5 rất nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Các biện pháp sau đây có thể giúp bạn giảm bớt nồng độ PM 2.5 trong không khí:

  • Tránh đốt bếp củi, đốt lò sưởi, thậm chí đốt nến hay nhang.
  • Không sử dụng máy hút bụi, trừ khi máy hút bụi có màng lọc HEPA
  • Khi dọn dẹp, nên vẩy nước khi có thể để giảm bụi
  • Không hút thuốc
  • Chỉ được mở cửa sổ khi chất lượng không khí đã được cải thiện

5. Đeo khẩu trang đúng loại và đúng cách

Đeo khẩu trang để phòng ô nhiễm không khí

Khi đi ra ngoài, bạn cần đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp. Tuy nhiên, những loại khẩu trang giấy hoặc vải thông thường không thể đảm bảo cho mục đích này. Các loại khẩu trang thông thường chỉ có thể giữ lại những hạt bụi có kích thước lớn. Bụi mịn vẫn có thể lọt qua lớp che chắn của khẩu trang và đi vào đường hô hấp của bạn.

Bạn hãy chọn loại khẩu trang có thể chống lại bụi mịn. Điều này sẽ giúp ích nếu bạn phải ra ngoài đường trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng chúng sẽ không có tác dụng nếu được đeo sai cách. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, hỏi người chăm sóc khách hàng và tìm mọi nguồn thông tin có thể để thực hành việc đeo khẩu trang đúng cách. Chỉ khi đó, khẩu trang mới có ích trong việc bảo vệ bộ máy hô hấp của bạn.

Kết luận

Khi không khí ô nhiễm, bạn gặp phải rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng có thể gặp các vấn đề cấp tính khi chất lượng không khí ở mức nguy hại. Hãy đảm bảo rằng bạn đã thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Bạn nên sử dụng những trang web uy tín để cập nhật chất lượng không khí. Khi đó, bạn sẽ biết thực trạng của không khí nơi mình sinh sống và kịp thời có biện pháp bảo vệ chính mình và gia đình.

Hãy chia sẻ bài viết đến người thân và bạn bè để tất cả mọi người cùng áp dụng, bạn nhé!

Xem thêm:

>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí

>> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí

>> Tác hại của ô nhiễm không khí lên da và các cách phòng tránh

>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

>> Thực trạng ô nhiễm không khí: những thống kê báo động tại Hà Nội

>> Hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe của bạn là gì?

>> Chất lượng không khí tại Hà Nội: các trang web uy tín mà bạn nên theo dõi

>> AirVisual có đáng tin cậy để bạn theo dõi chất lượng không khí hay không?