Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Khó ngủ: 5 nguyên nhân chủ yếu mà bạn nhất định phải chú ý
Khó ngủ là tình trạng được gây ra từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn cần chú tâm tới các nguyên nhân chính gây khó ngủ để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý.
Giấc ngủ ngon có vai trò quyết định đối với chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn không thể có những giấc ngủ ngắn hoặc gián đoạn vào ban đêm mà vẫn thức dậy với sự tỉnh táo. Hiện nay, rất nhiều người đang gặp phải các vấn đề với giấc ngủ. Các vấn đề đó bao gồm:
- Khó ngủ
- Mất ngủ
- Ngủ li bì
- Hay buồn ngủ
- Các tình trạng rối loạn giấc ngủ khác
Khó ngủ là một vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng nếu kéo dài lâu. Khi không thể ngủ, cơ thể bạn sẽ không thể tái tạo năng lượng. Bộ não của bạn cũng không được nghỉ ngơi. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu bị khó ngủ, bạn nhất định cần chú ý tới 5 nguyên nhân chủ yếu dưới đây để kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết.
1. Khó ngủ do các vấn đề sức khỏe
Nhiều vấn đề sức khỏe có thể dẫn tới tình trạng khó ngủ và mất ngủ. Trong một số trường hợp, các tình trạng sức khỏe bao gồm triệu chứng hay trằn trọc và không thể ngủ. Trong nhiều trường hợp khác, việc không thể dễ dàng rơi vào giấc ngủ là kết quả đến từ sự đau đớn và khó chịu từ các tình trạng sức khỏe khác.
Các vấn đề sức khỏe thường khiến mọi người mất ngủ bao gồm:
- Viêm mũi dị ứng
- Viêm xoang
- Các bệnh đường tiêu hóa
- Viêm khớp
- Hen suyễn
- Đau thắt lưng
Các tình trạng phổ biến kể trên thường gây ra sự khó thở hoặc đau đớn. Điều này trực tiếp dẫn tới hiện tượng mất ngủ.
Ngoài ra, có nhiều loại thuốc được dùng điều trị bệnh cũng có phản ứng phụ là mất ngủ. Ví dụ:
- Thuốc trị cảm lạnh
- Thuốc trị huyết áp cao
- Thuốc trị bệnh tim
- Thuốc trị bệnh tuyến giáp
- Thuốc kiểm soát sinh đẻ
- Thuốc trị hen suyễn
- Thuốc trị trầm cảm
Nếu bạn thường xuyên trằn trọc, bạn hãy chú ý về các vấn đề sức khỏe bản thân đang gặp cũng như thuốc mà bạn đang uống. Sau đó, bạn hãy đến gặp bác sỹ để nhận được sự tư vấn và chăm sóc chuyên nghiệp, đáng tin cậy nhất cho mình.
2. Khó ngủ do lo lắng
Rất nhiều người bị trằn trọc do lo lắng về điều gì đó. Thậm chí, tình trạng lo lắng quá mức có thể dẫn tới bệnh mất ngủ. Bạn có thể thao thức cả đêm do nghĩ ngợi về những chuyện khác nhau.
Các tình trạng lo lắng khác nhau có thể dẫn tới khó ngủ và mất ngủ bao gồm:
- Căng thẳng
- Nghĩ ngợi về những điều đã xảy ra trong quá khứ
- Lo lắng về các sự kiện trong tương lai
- Cảm thấy nặng nề vì nhiều trách nhiệm trên vai
Thông thường, sự tĩnh lặng về đêm khiến mọi người suy nghĩ nhiều hơn. Đó là lý do vì sao nếu bạn lo lắng, bạn sẽ cảm thấy nặng nề và dễ dàng mất ngủ. Khi điều này xảy ra trong nhiều tháng, nó có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe trầm trọng hơn. Bên cạnh những nỗi lo dẫn tới việc mất ngủ, bạn có thể cảm thấy lo lắng về chính tình trạng mất ngủ của mình. Nhiều người đã lo sợ về những căn bệnh họ có thể gặp phải do mất ngủ, đến mức giấc ngủ càng đến với họ khó khăn hơn.
Khi cảm thấy lo lắng, bạn hãy cố gắng trấn an bản thân rằng sự lo lắng không thể cải thiện vấn đề. Hãy nhận thức thật rõ ràng rằng một giấc ngủ ngon có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng của mình. Do đó, đừng để lỡ mất cơ hội để cảm thấy ổn hơn chỉ vì quá bận lo lắng nhé!
3. Khó ngủ do trầm cảm
Khó ngủ và mất ngủ có thể là các tình trạng được gây ra do trầm cảm.
Các cuộc đấu tranh trong tâm trí có thể khiến cho bạn cảm thấy trằn trọc, thay đổi tâm trạng, thay đổi hormone và sinh lý. Lâu ngày, các tình trạng này có thể dẫn tới trầm cảm và mất ngủ cùng lúc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng khó ngủ và mất ngủ thậm chí còn làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng hơn. Điều này giống như một vòng xoáy không có hồi kết.
Ngay khi cảm thấy bản thân có những biểu hiện điển hình của trầm cảm, bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sỹ nhé! Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Ít năng lượng
- Mất hứng thú và động lực
- Cảm thấy buồn bã
- Cảm thấy vô vọng
Bạn không nên thu mình lại khi phải trải qua những điều này. Thay vào đó, hãy tìm đến những người mà bạn tin tưởng nhất để giãi bày và tìm sự giúp đỡ. Bạn sẽ nhận thấy vấn đề không quá nghiêm trọng như mình tưởng, và bạn cũng có thể cải thiện giấc ngủ của mình nhanh chóng.
4. Khó ngủ do lối sống
Khó ngủ và mất ngủ có thể được gây ra từ chính lối sống của bạn. Lối sống không lành mạnh và thói quen ngủ dễ dàng gây ra cho bạn những đêm trằn trọc. Các ví dụ dưới đây cho thấy phong cách và lối sống có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ:
- Bạn làm việc tại nhà vào buổi tối
Khi làm việc tại nhà vào buổi tối, bạn sẽ không có thời gian để thư giãn. Ánh sáng từ máy vi tính cũng khiến cho bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Do đó, bạn hãy cố gắng giải quyết mọi công việc trong ngày thật sớm. Vào buổi tối, bạn hãy dành khoảng thời gian quý báu này để nghỉ ngơi và thư giãn nhé!
- Bạn đã ngủ nhiều trước giấc ngủ chính
Nhiều người có thói quen ngủ trưa trong một khoảng thời gian dài. Hoặc, có một số người giữ thói quen ngủ bất cứ khi nào thấy mệt. Do đó, dù là 4 giờ chiều hay 8 giờ tối, họ đều có thể ngả lưng và tìm đến giấc ngủ để nạp lại năng lượng. Đến giờ ngủ vào ban đêm, những người này thường cảm thấy tỉnh táo, trằn trọc và không thể ngủ được.
- Bạn làm việc theo ca
Bác sỹ, bảo vệ, nhân viên trực tổng đài 24/24, nhân viên cứu hỏa, v.v… là những người hay phải làm việc theo ca. Những người này thường có nhiều ca đêm trong tuần. Điều này có thể gây rối loạn nhịp sinh học. Nếu bạn làm việc theo ca, cơ thể của bạn có thể cảm thấy khó khăn để nhận diện nhu cầu ngủ của bạn.
Nếu lối sống của bạn giống với những điều kể trên hoặc có bất kỳ yếu tố nào gây mất ngủ, bạn hãy cố gắng tìm mọi cách khắc phục có thể. Tốt nhất là bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Bạn sẽ không mất công sức tìm kiếm cách giải quyết mà có thể không hề hiệu quả.
5. Khó ngủ do thực phẩm và đồ uống
Thực phẩm và đồ uống mà bạn nạp vào cơ thể có ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ. Ví dụ như:
- Ăn và uống quá no
Khi ăn uống quá no, bạn sẽ cảm thấy tức bụng và khó ngủ. Đến khi cuối cùng cũng xoay sở để ngủ được, bạn cũng khó có thể ngủ sâu giấc. Do đó, bạn hãy chỉ ăn vừa đủ no. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn trước khi đi ngủ. Điều này rất có hại cho dạ dày nói riêng và cơ thể của bạn nói chung.
- Sử dụng đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn, điển hình là rượu bia, thường có tác dụng an thần. Bạn có thể dễ dàng ngủ thiếp đi sau khi uống rượu hay bia. Tuy nhiên, sau đó giấc ngủ của bạn có thể bị gián đoạn. Bạn có thể tỉnh dậy giữa đêm và không thể ngủ lại dễ dàng như lúc đầu.
- Sử dụng cà phê và trà
Cà phê và trà có chứa nhiều caffeine. Caffeine có tác dụng kích thích và gây tỉnh táo. Đó là lý do vì sao rất nhiều người thường dùng trà và cà phê khi bắt đầu một ngày mới.
Khi sử dụng đúng cách, trà và cà phê là những trợ thủ đắc lực để bạn làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng sai, chúng mang lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe. Việc uống trà hay cà phê quá nhiều trong ngày, hoặc quá gần giấc ngủ đều khiến bạn cảm thấy khó ngủ. Caffein có thể tồn tại tới 8 tiếng trong cơ thể. Cần rất nhiều thời gian để cơ thể bạn bào mòn tác dụng của caffein. Do đó, hãy sử dụng các đồ uống này một cách hợp lý để chúng phục vụ cho cuộc sống của bạn thay vì làm hại bạn nhé!
Kết luận
Khó ngủ là một tình trạng phức tạp được gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn cần chú ý đến 5 nguyên nhân chính kể trên để có thể nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn tác động của chúng lên giấc ngủ. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn có những giấc ngủ ngon nhất. Khi đó, cơ thể bạn sẽ luôn tràn trề sức lực và giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh gây ra do thiếu ngủ.
Xem thêm:
>> Hay buồn ngủ là hiện tượng được gây ra từ những nguyên nhân nào?
>> Ngủ ít vẫn khỏe có khả thi hay không? Bạn nên làm gì khi thiếu ngủ?
>> Cách dậy sớm hiệu quả mà bạn có thể dễ dàng áp dụng
>> Giấc ngủ ngon của bạn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
>> Thức khuya có hại gì đối với sắc đẹp và sức khỏe của bạn?
>> Tắm nước nóng trước khi ngủ: những tác dụng tuyệt vời với cơ thể