Ô nhiễm không khí được gây ra bởi những nguyên nhân nào?

Các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là một vấn đề hiện đang được rất nhiều người nhắc tới. Không chỉ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng,đây đang là chủ đề bàn tán của rất nhiều người dân. Đặc biệt, nếu bạn sống tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn bạn đang phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.

Để bảo vệ bản thân, ngoài việc nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí, bạn cũng cần am hiểu về nguyên nhân gây ra nó. Càng hiểu kỹ về vấn đề này, bạn càng có thể bảo vệ bản thân tốt hơn. Hãy đọc các thông tin sau đây để tìm hiểu thật chi tiết nhé!

Ô nhiễm không khí là gì?

Cụm từ này đề cập tới sự ô nhiễm của môi trường không khí. Không khí trong nhà và không khí bên ngoài đều được tính đến khi nói về ô nhiễm. Ô nhiễm xảy ra khi có bất kỳ thay đổi nào về các thành phần vật lý, hóa học hay sinh học trong không khí. Bất cứ loại khói bụi hay khí gây hại nào khi xuất hiện trong không khí cũng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, động vật và thực vật.

Ô nhiễm môi trường không khí có thể là vô hình hoặc hữu hình. Gần đây, sự ô nhiễm hữu hình đang hiện diện ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Tại Hà Nội, chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể nhìn rõ lớp bụi bao phủ khắp thành phố. Điều này hết sức có hại cho sức khỏe của bạn.

Trên các app theo dõi thời tiết, các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh luôn bị cảnh báo chất lượng không khí đang ở mức có hại cho sức khỏe.

Ô nhiễm không khí được gây ra bởi các nguyên nhân nào?

Thông thường, ô nhiễm có thể gây ra do tự nhiên hoặc con người. Song, các hoạt động tự nhiên như núi lửa thường rất ít và không gây ảnh hưởng lâu dài. Chất lượng không khí chủ yếu bị ảnh hưởng do con người. Các hoạt động đó bao gồm:

1. Hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch

Hoạt động giao thông gây tạo không khí độc hại

Sunfua dioxit (SO2) là 1 trong 5 yếu tố được sử dụng để từ đó đo lường chất lượng không khí. Khí này được thải ra chủ yếu từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu hóa thạch bao gồm:

  • Than
  • Dầu mỏ
  • Các chất dễ cháy trong nhà máy

Các phương tiện giao thông đa phần sử dụng xăng để hoạt động. Tất cả các phương tiện này đều gây ô nhiễm, chủ yếu gồm:

  • Xe máy
  • Xe hơi
  • Xe khách
  • Xe tải
  • Tàu hỏa
  • Máy bay

Chúng ta dựa vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì cuộc sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng nhiên liệu đang giết chết môi trường của chúng ta. Các phương tiện giao thông thải ra rất nhiều CO – một loại khí khác được sử dụng để đo lường AQI. Ngày nay, các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy và xe hơi đang ngày càng tăng cao. Xe buýt là phương tiện công cộng hợp lý để giảm khí thải. Song, sự tắc nghẽn giao thông và chất lượng dịch vụ chưa tốt khiến nhiều người ngần ngại khi sử dụng chúng. Nếu không sớm đưa ra giải pháp phù hợp, tình trạng ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ gia tăng ở Việt Nam.

2. Hoạt động nông nghiệp

Đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí

Amoniac là một loại khí rất độc hại cho không khí của chúng ta. Đáng tiếc, loại khí này lại là sản phẩm phụ của các hoạt động nông nghiệp. Cụ thể, các hoạt động sau đây đều gây ô nhiễm cho môi trường không khí:

  • Sử dụng thuốc diệt côn trùng
  • Sử dụng thuốc trừ sâu
  • Sử dụng phân bón

Hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Hơn 50% nhân lực lao động tại Việt Nam đang tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Có thể thấy, các hoạt động nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu tại nước ta. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho không khí tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ tại các vùng nông thôn và ngoại thành cũng góp phần lớn vào việc làm suy giảm chất lượng không khí. Các hóa chất độc hại còn gây ô nhiễm môi trường nước. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, chúng ta khó có thể nhận được bầu không khí trong sạch hơn.

3. Hoạt động công nghiệp

Hoạt động công nghiệp gây bẩn không khí

Hoạt động công nghiệp là một nguyên nhân gây ô nhiễm mà chúng ta không thể bỏ qua. Các ngành công nghiệp xuất hiện ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Hiếm có khu vực nào không hề bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp.

Các nhà máy thải ra một lượng lớn cacbon monoxit, hydro cacbon, các hợp chất hữu cơ và hóa chất khác vào không khí. Điều này làm suy giảm chất lượng môi trường không khí nặng nề.

Hiện nay, các khu công nghiệp liên tục xuất hiện tại Việt Nam. Với giá nhân công rẻ và đang ở độ tuổi lao động, các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là một địa điểm tốt để sản xuất công nghiệp. Bên cạnh việc làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí, các khu công nghiệp này còn tác động rất lớn đến chất lượng đất và nước.

Tác động của các khu công nghiệp đến chất lượng môi trường là không tránh khỏi. Bải toán đặt ra là phải quản lý và giảm thiểu những tác động này.

(nguồn Tapchicongsan)

4. Hoạt động khai thác

Hoạt động khai thác là không khí bị ô nhiễm

Khai thác là quá trình con người sử dụng các thiết bị lớn để lấy khoáng vật từ lòng đất. Trong quá trình này, một lượng lớn bụi bị thải vào không khí. Điều này gây ra ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng không khí.

Ở Việt Nam, nếu bạn sống gần khu vực khai thác than đá của Quảng Ninh, chắc chắn bạn không còn xa lạ với điều này. Không khí các khu vực khai thác luôn mịt mù khói bụi. Người dân và người tham gia khai thác có nguy cơ cao mắc bệnh và suy giảm tuổi thọ do hít phải không khí độc hại.

5. Các hoạt động sinh hoạt trong nhà

Đốt bếp củi ảnh hưởng đến chất lượng không khí

Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm trong nhà. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu bao gồm:

  • Chất tẩy rửa
  • Sơn
  • Chiên rán thức ăn
  • Đốt bếp than
  • Đốt bếp củi

Mặc dù không gây nguy hại nặng nề như các hoạt động khác, những hoạt động này vẫn có thể gây không ít khó chịu cho người trong nhà. Ví dụ, ở nông thôn, việc đốt bếp củi tạo ra rất nhiều khói gây ho và cay mắt. Các chất tẩy rửa mạnh cho quần áo hay nhà vệ sinh gây hại cho người tiếp xúc. Hay hoạt động chiên rán thức ăn cũng tạo ra khói và các mùi khó chịu.

Tác động của ô nhiễm không khí lên con người

Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Không khí bẩn và độc hại đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Không khí ô nhiễm cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến chất lượng không khí.

(Nguồn who)

Kết luận

Hiện nay, không khí bị ô nhiễm đã trở thành vấn đề của tất cả người dân tại đô thị lớn. Bên cạnh đó, tại một số vùng diễn ra nhiều hoạt động nông nghiệp và khai thác, chất lượng không khí cũng bị ảnh hưởng. Bạn cần chú ý các nguyên nhân gây ô nhiễm để kịp thời đưa ra biện pháp bảo vệ cho bản thân. Các ảnh hưởng từ không khí có thể không rõ rệt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài, bạn có thể gặp phải nhiều tình trạng nguy hại tới chính tính mạng của mình.

Hãy chia sẻ bài viết đến những người bạn yêu thương để tất cả mọi người cùng bảo vệ chính mình nhé!

Xem thêm:

>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?

>> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí

>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm môi trường không khí

>> Thực trạng ô nhiễm không khí: những thống kê báo động tại Hà Nội