Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Thực trạng ô nhiễm không khí: những thống kê báo động tại Hà Nội
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội là một vấn đề hiện được rất nhiều người quan tâm. Bắt đầu từ tháng 9/ 2019, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về tình trạng ô nhiễm môi trường tại thủ đô. 8 triệu người dân sống tại Hà Nội cũng dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tiêu cực của chất lượng không khí.
Vậy, kể từ tháng 9 đến nay, thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội diễn biến ra sao?
Mời các bạn đọc những thông tin dưới đây để tìm hiểu chi tiết.
Các chỉ số thường được sử dụng để phản ánh chất lượng không khí
Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường là nguồn cung cấp dữ liệu đáng tin cậy để bạn tham khảo. Tuy nhiên, có một số chỉ số mà bạn cần nắm rõ để có thể hiểu về thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay. Các chỉ số đó bao gồm:
- AQI: Đây là chỉ số phản ánh chất lượng không khí hàng ngày. AQI được tính toán dựa trên nồng độ các thành phần gây ô nhiễm có trong không khí. Các thành phần đó bao gồm:
- Ozone mặt đất (O3)
- Bụi trong không khí (PM)
- Cacbon monoxit (CO)
- Lưu huỳnh điôxit (SO2)
- Nitơ điôxit (NO2)
- PM 2.5 và PM 10: PM là từ viết tắt để chỉ các hạt lơ lửng trong không không khí. Các số đi sau PM, cụ thể là 2.5 và 10, chỉ kích thước các hạt này. Các hạt trong nhóm PM 2.5 có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet. Các hạt trong nhóm PM 10 có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Các hạt này rất nhỏ và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng còn được gọi là bụi mịn. Đây là các hạt gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe nếu vượt quá ngưỡng cho phép.
Các chỉ số trên có các ngưỡng giá trị để quyết định chất lượng không khí. Đối với AQI, có 6 khoảng giá trị tương ứng với 6 mức chất lượng không khí khác nhau.
Xem thêm: >> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí
Ngưỡng an toàn của nồng độ PM 2.5 và PM 10 tại Việt Nam đã được công bố trong Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, nồng độ này được tính bằng đơn vị microgam trên mét khối trong trung bình 24 giờ. Với PM 2.5, ngưỡng giới hạn là 50 microgam/ m3. Đối với PM 10, ngưỡng giới hạn là 150 microgam/ m3. Khi vượt quá các giới hạn này, người dân sẽ bắt đầu có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe.
Xem thêm: >> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tháng 9/ 2019
Bắt đầu từ ngày 12 cho đến hết tháng 9, chất lượng không khí Hà Nội có những diễn biến phức tạp. Nồng độ PM 2.5 trong không khí liên tục vượt quá ngưỡng giới hạn. Các thông số khác được tính toán để đo lường AQI (O3, CO, SO2 và NO2) vẫn ở ngưỡng bình thường.
Tổng Thông tin Quan trắc Môi trường đã tổng hợp số liệu của 13 trạm quan trắc tự động trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy nồng độ PM 2.5 có xu hướng gia tăng so với các tháng trước đó. Trong một vài ngày, nồng độ này suy giảm, sau đó lại tăng cao. Có đến 75% kết quả đo được trong khoảng thời gian trên cho thấy nồng độ PM 2.5 vượt ngưỡng giới hạn. Đặc biệt, từ ngày 25 đến 29 tháng 9, số liệu từ tất cả các trạm đều cho thấy nồng độ PM 2.5 vượt quá ngưỡng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra.
Kết quả đo lường của chỉ số AQI cũng không hề cho thấy sự khả quan. Trong 18 ngày kể từ 12/9 đến 29/9, chỉ có 5 ngày là AQI đạt mức trung bình. Trong các ngày còn lại, AQI đều duy trì ở mức kém. Tại nhiều trạm quan trắc, AQI tăng cao và chạm gần đến mức xấu. Đặc biệt, trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ngày 29/9 ghi nhận chất lượng không khí vượt mức xấu.
Chất lượng không khí từ mức trung bình đã có thể gây ra vấn đề về hô hấp với những người nhạy cảm. Từ mức kém trở đi, các ảnh hưởng sẽ nguy hại hơn cho tất cả mọi người. Trong những ngày này, người dân được khuyến cáo nên ở nhà và hạn chế tối đa việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, điều này là bất khả thi với người dân lao động và học sinh – sinh viên. Do đó, thực trạng ô nhiễm không khí ngay từ tháng 9 đã rung lên hồi chuông báo động cho tất cả người dân Hà Nội.
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tháng 10/ 2019
Bước vào tháng 10, miền Bắc bắt đầu chuyển lạnh. Đây là khoảng thời gian các chất ô nhiễm thường tăng cao trong không khí. Một nguyên nhân lớn gây ra điều này nằm ở hiện tượng nghịch nhiệt. Thông thường, lớp không khí phía dưới nóng hơn và có thể phát tán lên cao. Khi đó, các chất ô nhiễm sẽ không còn tích tụ gần mặt đất. Tuy nhiên, hiện tượng nghịch nhiệt làm nhiệt độ của lớp không khí bên dưới thấp hơn lớp không khí ở trên. Lúc này, không khí bên dưới không thể phát tán. Đồng nghĩa với việc đó là các chất ô nhiễm bị giữ lại dưới mặt đất.
Tình trạng ô nhiễm không khí từ tháng 9 tiếp tục tăng cao đến ngày 02/10. Trong thời gian này, số liệu từ tất cả các trạm quan trắc đều cho thấy nồng độ PM 2.5 cao vượt ngưỡng từ 1,2 đến 2,3 lần. Chất lượng không khí liên tục được ghi nhận ở mức xấu đến rất xấu. Từ ngày 03/10, nhờ các cơn mưa và tốc độ gió tăng, bụi được rửa trôi. Chất lượng không khí dần được cải thiện.
Tuy nhiên, từ ngày 20 đến hết tháng 10, chất lượng không khí lại liên tục có các đợt suy giảm. Tổng kết lại, trong 31 ngày của tháng 10, có 10 ngày không khí có chất lượng kém. Đối với các ngày còn lại, AQI ghi nhận chất lượng không khí ở mức trung bình. Ngày 24 tháng 10 là ngày duy nhất không khí có chất lượng tốt.
Như vậy, chất lượng không khí tháng 10 tốt hơn tháng 9. Song, chất lượng không khí vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho cộng đồng.
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tháng 11/ 2019
Số liệu cập nhật gần nhất cho thấy: từ ngày 01 đến giữa tháng 11, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục suy giảm. Tính đến ngày 04, nồng độ PM 2.5 nằm dưới ngưỡng giới hạn. Tuy nhiên, từ ngày 05, nồng độ này liên tục vượt ngưỡng ở tất cả các trạm quan trắc. Chỉ số AQI ghi nhận chất lượng không khí tại Hà Nội chủ yếu duy trì ở mức trung bình đến kém. Riêng tại Minh Khai, ngày 06/11, không khí có chất lượng ở mức xấu.
Thời gian giữa tháng 11 ghi nhận sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng không khí tại Hà Nội. Vào ngày 12, một số trạm quan trắc cho thấy chất lượng không khí vượt mức nguy hại. Ở mức độ này, người dân có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng do hít thở không khí ô nhiễm.
Vào thời gian này, nồng độ PM 2.5 tăng cao vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng. Điều này gây ra do hiện tượng nghịch nhiệt. Lớp không khí dưới sát mặt đất lạnh hơn lớp không khí ở trên, từ đó không thể phát tán. Chất ô nhiễm từ khói bụi giao thông và hoạt động công nghiệp bị giữ lại sát mặt đất. Khi mặt trời lên, lớp không khí ở dưới được làm nóng. Khi đó, bụi có thể phát tán lên cao và bay đi xa. Từ giữa ngày, nồng độ PM 2.5 sẽ có xu hướng giảm.
Kết luận
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp. Tất cả mọi người nên tránh ra ngoài vào sáng sớm. Khi mặt trời chưa lên cao, nồng độ PM 2.5 thường vượt quá ngưỡng cho phép. Khi hít thở phải không khí ô nhiễm, bạn sẽ gặp phải nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn nên hạn chế tối đa việc ra ngoài. Khi ra ngoài đường, tất cả mọi người đều nên đeo khẩu trang loại có khả năng chống bụi. Nếu bạn có thể thay đổi chỗ ở một thời gian, điều lý tưởng là bạn nên tìm đến vùng nông thôn để tận hưởng không khí trong lành.
Hãy chia sẻ bài viết để cảnh báo với người thân và bạn bè về thực trạng ô nhiễm không khí, bạn nhé!
Xem thêm:
>> Hiện tượng nghịch nhiệt và ô nhiễm không khí có mối liên hệ như thế nào?
>> Chỉ số AQI: cách hiểu đơn giản để nắm bắt thực trạng ô nhiễm môi trường không khí
>> PM 2.5 và PM 10: những điều bạn phải biết để hiểu về ô nhiễm không khí