Vi khuẩn E coli: Những nguy cơ khôn lường và cách phòng tránh phải biết

Vi khuẩn E. coli không còn là một cái tên xa lạ với tất cả mọi người trong số chúng ta. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết rõ về sự nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng của một số chủng vi khuẩn E. coli hay chưa. Chúng đến từ đâu, và phải làm gì để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ đến từ loại vi khuẩn này?

Vi khuẩn E. coli

Vi khuẩn E. coli thường sống trong ruột của người và động vật khỏe mạnh. Đa số các chủng vi khuẩn này là vô hại, hoặc gây ra các đợt tiêu chảy ngắn ở người. Tuy nhiên, có một số chủng đặc biệt nguy hiểm, ví dụ như E. coli O157:H7, được biết đến với khả năng gây ra đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra máu và nôn mửa. 

Tại Việt Nam, vi khuẩn E. coli xuất hiện rất nhiều trong môi trường, gây ra 30% các ca tiêu chảy mỗi năm. Tuy nhiên, theo lời của Giáo sư Đoàn Mai Phương – nguyên Trưởng khoa Vi sinh của Bệnh viện Bạch Mai, E. coli hiện nay đã dần kháng nhiều loại kháng sinh. Nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa triệt để, bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm phải loại vi khuẩn này. 

Vi khuẩn E. coli gây ra các triệu chứng gì?

Các triệu chứng do nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 thường xảy ra ba hoặc bốn ngày sau khi nạn nhân tiếp xúc với vi khuẩn. Ở một số đối tượng, khoảng thời gian xuất hiện triệu chứng là ngay sau một ngày hoặc sau hơn một tuần. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tiêu chảy, từ tiêu chảy nhẹ và đi ngoài ra nước đến tiêu chảy nặng và đi ngoài ra máu
  • Đau quặn bụng
  • Buồn nôn và nôn

Vi khuẩn E. coli có mặt ở đâu?

Vi khuẩn E. coli trong thức ăn

Cách thức phổ biến nhất mà thông qua đó một người bị nhiễm khuẩn E. coli là ăn phải thức ăn có chứa loại vi khuẩn này.  Thịt xay là một nguồn chứa phổ biến, do chúng từ ruột gia súc nhiễm vào phần thịt trong quá trình giết mổ. Ngoài ra còn có sữa chưa tiệt trùng do nhiễm vi khuẩn này từ bầu vú bò sữa hoặc thiết bị vắt sữa. Rau tươi – đặc biệt là các rau có nhiều bẹ lá như rau cải hay rau diếp, cũng là nguồn chứa chủng vi khuẩn gây bệnh do dòng chảy từ các trang trại gia súc hoặc tưới tiêu.

Vi khuẩn E. coli có thể gây bệnh chỉ với một liều lượng nhỏ, do đó, nếu một người ăn phải thịt tái có chứa chủng vi khuẩn gây bệnh, người đó hoàn toàn có khả năng phát triển các triệu chứng bệnh phổ biến.

Ecoli trong thực phẩm hàng ngày

Vi khuẩn E. coli trong nước

Phân người và động vật có thể làm ô nhiễm đất và nước mặt, bao gồm sông suối, ao hồ và các nguồn nước khác được sử dụng cho tưới tiêu. Mặc dù hệ thống cung cấp nước công cộng thường được xử lý bằng clo, tia UV hoặc ozone để tiêu diệt các tác nhân có hại trước khi được phân phối tới người sử dụng, một số đợt bùng phát các ca nhiễm E. coli vẫn được ghi nhận là có liên quan tới nguồn cung cấp nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Giếng được coi là một nguồn nước có nguy cơ cao do thường không có hệ thống khử trùng. Nguồn nước ở nông thôn là nơi có nguy cơ cao nhất chứa vi khuẩn E. coli. Tại Việt Nam, đã có những trường hợp bị nhiễm khuẩn E. coli sau khi trẻ em đi bơi ở các bể bơi hoặc hồ bị ô nhiễm do phân người và động vật.

Ecoli trong nước

Vi khuẩn E. coli lây nhiễm do tiếp xúc giữa người với người

Vi khuẩn E. coli có thể dễ dàng truyền từ người sang người, đặc biệt là khi người trưởng thành và trẻ em không rửa tay sạch. Thành viên của các gia đình có trẻ mắc bệnh cũng rất dễ bị nhiễm loại vi khuẩn này.

Lây nhiễm E. coli

Vi khuẩn E. coli gây ra biến chứng gì?

Đa số người trưởng thành khỏe mạnh hồi phục sau khi nhiễm E. coli trong vòng một tuần. Một số người – đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, có thể bị mắc hội chứng huyết tán tăng ure máu  – một dạng suy thận gây nguy hiểm tới tính mạng.

Biến chứng E. coli

Phòng tránh nhiễm E. coli như thế nào?

Gần đây, các nhà khoa học đang nghiên cứu các loại vắc xin tiềm năng nhằm phòng nhiễm E. coli. Tuy nhiên, cho đến nay, không có vắc xin hay thuốc nào có thể đề phòng để bạn không mắc các bệnh gây ra do loại vi khuẩn này. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị phơi nhiễm, bạn hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:

Đối với thức ăn

  • Chỉ ăn thịt đã được chế biến kỹ: Thịt nên được làm chín hẳn, và chỉ được ăn khi không còn phần thịt hồng. 
  • Uống sữa đã tiệt trùng. 
  • Rửa rau tươi thật kỹ: Rửa rau thông thường sẽ khó có thể loại trừ toàn bộ E. coli. Cần chú ý tới các loại rau nhiều lá như các loại rau cải hay rau diếp, bởi trên các loại rau này có nhiều khe kẽ chứa vi khuẩn. Do đó, cần rửa rau thật kỹ. Ở nước cuối, thay vì vớt rau từ chậu phải rửa rau dưới vòi nước để nước rửa trôi tối đa những cặn bẩn và vi sinh vật có thể đang bám trên rau. 

Rửa rau kỹ để phòng tránh E. coli

Tránh lây nhiễm chéo

  • Rửa dụng cụ làm bếp: Sử dụng nước xà phòng nóng để rửa dao, mặt bệ bếp và thớt trước và sau khi chúng tiếp xúc với rau tươi hoặc thịt sống.
  • Tách riêng thực phẩm sống khỏi các loại thực phẩm khác, bao gồm cả việc sử dụng thớt riêng cho các loại thực phẩm trước và sau chế biến. 
  • Rửa tay: Rửa tay sau khi chuẩn bị thức ăn, sau khi ăn, sử dụng toilet, và thay tã. Cần đảm bảo mọi trẻ em đều rửa tay trước khi ăn, sau khi sử dụng phòng tắm và sau khi tiếp xúc với động vật. 

Tách riêng các loại thức phẩm khi chế biến

Như vậy, đa phần các chủng vi khuẩn E. coli đều lành tính; song, có một số chủng đặc biệt nguy hiểm mà đến nay con người vẫn chưa thể hoàn toàn khống chế.

Cách hành động tốt nhất bạn nên làm là luôn chú ý tới việc phòng tránh các nguy cơ gây tiếp xúc với vi khuẩn này. Trong đó, không thể thiếu việc ăn uống các loại thực phẩm và nước sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua chế biến cẩn thận. Khi nắm rõ các biện pháp này, bạn đã hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ bản thân khỏi E. coli – một tác nhân gây bệnh tiềm tàng trong môi trường sống hàng ngày.