Sốt xuất huyết: những nguy cơ đến từ vật chứa nước trong nhà

Nguồn nước gây sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Vật chứa nước gần bạn có thể là một tác nhân khiến bạn và người thân bị nhiễm bệnh. Vậy, bạn đã biết gì về mối liên hệ giữa căn bệnh này và vật chứa nước ở ngay cạnh mình?

Sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam. Gần đây, số ca mắc bệnh không hề có dấu hiệu suy giảm và đã vượt quá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 ca tử vong do sốt xuất huyết. Con số này có thể tăng lên nếu bệnh không được nhận biết và xử trí kịp thời.

Vật chứa nước gần bạn chính là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến việc bạn và người thân bị sốt xuất huyết. Hãy đọc các thông tin sau đây để hiểu hơn về điều này và từ đó đưa ra cách xử trí thích hợp.

Sốt xuất huyết có mối liên quan mật thiết tới các vật chứa nước

Sốt xuất huyết và vật chứa nước gần bạn có mối liên quan mật thiết với nhau. Bạn có biết:

  • Muỗi Aedes aegypti là loài muỗi gây ra sốt xuất huyết. Muỗi này thường đẻ trứng lên thành các vật chứa nước trong và gần nhà bạn.
  • Trứng muỗi nở khi ở trong nước. Trứng này có thể tồn tại trong nhiều tháng.
  • Muỗi cái có thể đẻ trứng 5 lần trong vòng đời của mình. Mỗi lần, chúng có thể đẻ hàng chục trứng.
  • Vòng đời của muỗi trải qua các giai đoạn: từ trứng đến ấu trùng (còn gọi là nhộng), thành lăng quăng, và cuối cùng thành muỗi trưởng thành. Sự biến đổi này kéo dài khoảng 8 ngày và xảy ra trong môi trường nước. Muỗi trưởng thành sống được một tháng.
  • Muỗi trưởng thành thường ẩn náu trong các khu vực tối trong nhà. Ví dụ: tủ quần áo, gầm giường, sau rèm cửa.
  • Muỗi Aedes aegypti có thể bay hàng trăm mét để tìm vật chứa nước và đẻ trứng.
  • Một vài con muỗi trong mỗi hộ gia đình là đủ để gây ra dịch sốt xuất huyết.

Muoi-gay-sot-xuat-huyet

Sốt xuất huyết: các vật chứa nước phổ biến

Nguồn sốt xuất huyết đến từ bọ gậy trong nước

Các vật dụng chứa nước trong nhà đều có thể chứa trứng muỗi hoặc lăng quăng. Trong một khoảng thời gian ngắn, chúng sẽ phát triển thành muỗi trưởng thành. Có thể thấy, nguy cơ khiến bạn bị sốt xuất huyết hoàn toàn đến từ các vật chứa nước này. Nước trong các vật dụng sau đây có thể là nước máy hoặc nước mưa; bao gồm:

  • Bể nước
  • Thùng và can chứa nước
  • Xô nhỏ
  • Chậu trồng cây cảnh sống trong nước
  • Đài phun nước trang trí
  • Khay và bát uống nước của gia súc, thú nuôi
  • Bể bơi di động lâu không sử dụng
  • Bình hoa
  • Lốp xe, chai lọ, bình, bát, ống lon… đã bị vứt bỏ
  • Đồ dùng gia đình bị hỏng và gây rò rỉ nước. Ví dụ: bồn cầu, chậu rửa, tủ lạnh, máy giặt,…
  • Các vật dụng để ngoài nhà. Ví dụ: thùng rác, thùng sơn, tấm bạt,…
  • Các vật dụng có phần trũng để giữ nước khác.

Nguồn gây bệnh sốt xuất huyết từ vật chứa nước gần nhà

Cách quản lý vật chứa nước để phòng ngừa sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh. Có rất nhiều phương pháp đã được khuyến cáo để phòng ngừa căn bệnh này. Trong đó, quản lý các vật dụng chứa nước máy và nước mưa trong và gần nhà được coi là một biện pháp không thể thiếu. Các biện pháp đó bao gồm:

  • Làm sạch các vật chứa bằng cách rửa sạch, dùng bàn chải để cọ sạch các thành của vật chứa, để khô và sau đó lấy nắp che.
  • Vứt bỏ, lật úp hoặc đổ hết nước khỏi các vật chứa nước.
  • Thường xuyên thay nước cho chậu cây và bình hoa.
  • Luôn sử dụng nắp đậy chặt để che chắn các vật chứa nước.
  • Đảm bảo các vật chứa nước không có ấu trùng hoặc bọ gậy.
  • Duy trì cho nước chảy liên tục trong đài phun nước nhân tạo.
  • Thả cá vào đài phun nước hoặc bể trang trí để chúng ăn bọ gậy.
  • Làm sạch khay máng đựng nước cho gia súc và thú nuôi hàng ngày. Cần đảm bảo rửa kỹ để rửa trôi trứng muỗi.
  • Đảm bảo gần nhà không có những vật chứa nước đọng như vỏ chai lọ hay hộp cơm đã qua sử dụng.

Các nguồn nước chứa bọ gậy gây sốt xuất huyết

Như vậy, bạn có thể thấy vật chứa nước trong và ngoài nhà tưởng chừng như vô hại nhưng lại là môi trường hoàn hảo để muỗi đẻ trứng, từ đó gây ra dịch sốt xuất huyết. Dịch đang có xu hướng gia tăng và theo cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, dịch sắp bước vào giai đoạn đỉnh điểm (Nguồn: xem tại đây). Hãy cẩn thận làm theo những biện pháp đã được đưa ra ở trên để phòng bệnh cho chính mình và người thân trong gia đình, bạn nhé!

Các bài viết có thể bạn quan tâm:

Sốt xuất huyết 2019 sắp bước vào thời kỳ đỉnh dịch

Dấu hiệu sốt xuất huyết phổ biến mà bạn phải biết