Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Sốt xuất huyết 2019 sắp bước vào thời kỳ đỉnh dịch
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết. Tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị do mắc bệnh chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Dịch sốt xuất huyết thường bắt đầu xuất hiện vào tháng 6 – tháng 7 hàng năm. Theo cơ quan ngôn luận của bộ Y tế, thời điểm này trong năm – tức giai đoạn chuyển tiếp giữa tháng 10 và tháng 11, là thời điểm hết sức nhạy cảm do sắp bước vào thời gian đỉnh dịch (Nguồn: xem tại đây). Nếu không áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp dự phòng, số lượng ca mắc bệnh có thể tăng cao trong thời gian tới.
Hãy cùng theo dõi các con số thống kê dưới đây để nắm bắt rõ quy mô cũng như xu hướng của dịch bệnh nguy hiểm này trong năm 2019.
Sốt xuất huyết: thống kê trên cả nước
Tính đến cuối tháng 8 năm 2019, tổng số ca mắc sốt xuất huyết cộng dồn từ đầu năm trên cả nước lên đến gần 130 000 ca. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 16 trường hợp đã tử vong. Sau mỗi tuần, số bệnh nhân mắc bệnh trên cả nước lại tăng thêm từ 5 000 đến 10 000 người. Đây là một con số hết sức đáng báo động.
Sốt xuất huyết: thống kê tại Hà Nội
Năm 2019, các trường hợp mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội liên tục được ghi nhận hàng tháng, kể cả mùa lạnh. Số ca bắt đầu tăng cao kể từ tháng 7, khi thời tiết nóng ẩm và muỗi có điều kiện lý tưởng để sinh sôi. Sang tháng 8, có 200 đến 300 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận mỗi tuần. Con số này tăng lên thành 400 – 500 trong tháng 9. Hiện tại, mục tiêu khống chế số ca mắc mới tại Hà Nội là không quá 600 ca trong một tuần.
Tuy nhiên, trong tuần gần đây nhất, tức từ ngày 14/10/2019 đến ngày 20/10/2019, số lượng ca sốt xuất huyết mới ghi nhận tại Hà Nội là 831 ca, vượt quá mục tiêu khống chế đã được đề ra trước đó. Những trường hợp mắc gần nhất đã nâng tổng số ca mắc tại Hà Nội cộng dồn từ đầu năm lên đến 7646 ca. Điểm sáng duy nhất là đến nay, chưa có ca tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận tại Hà Nội.
Có thể thấy, tình hình mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang ngày càng gia tăng và bước vào chu kỳ đỉnh dịch. Các địa bàn được ghi nhận có số ca mắc cao nhất trên thành phố bao gồm: quận Hà Đông, quận Cầu Giấy, huyện Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, quận Đống Đa, huyện Thường Tín, và quận Hoàng Mai. Người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội nói chung và tại các quận huyện nói trên cần hết sức cẩn trọng để không mắc bệnh.
Sốt xuất huyết: thống kê tại TP Hồ Chí Minh
Giống với Hà Nội, trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh bắt đầu có dịch sốt xuất huyết vào giai đoạn tháng 6 – tháng 7, khi trời chuyển mưa nhiều và muỗi có điều kiện lý tưởng để phát triển. Cộng dồn từ đầu năm đến đầu tháng 7, tại TP Hồ Chí Minh có gần 25 000 ca mắc, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Theo thống kê mới nhất, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh đã tăng chóng mặt và chạm ngưỡng 50 000 ca. Số ca tử vong đã tăng từ 5 ca kể từ đầu vụ dịch lên 9 ca tính đến thời điểm hiện tại. Số ca mắc hiện nay tại TP Hồ Chí Minh tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sốt xuất huyết: thống kê tại các tỉnh thành khác
Tại các tỉnh thành khác, tình hình dịch sốt xuất huyết năm 2019 cũng diến biến theo xu hướng hết sức đáng lo ngại. Sau đây là thống kê nổi bật được báo cáo từ một số tỉnh thành:
Khánh Hòa là tỉnh dẫn đầu miền Trung về số ca mắc bệnh. Ngay từ giữa tháng 8, số trường hợp mắc đã lên tới 7200 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Trong các trường hợp mắc bệnh phải điều trị nội trú, có 166 trường hợp được đánh giá là nặng. Con số mắc bệnh tại Khánh Hòa được ghi nhận là tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Đồng Nai, tính đến cuối tháng 9, số ca mắc sốt xuất huyết cộng dồn từ đầu năm là 13 000 ca. Con số này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Quãng Ngãi, ngay từ trong tháng 7 – tức khi dịch mới chỉ bắt đầu, số ca mắc được ghi nhận đã vượt quá 700 ca. Cùng thời điểm đó, tại Quảng Nam, số ca mắc bệnh tăng gấp 3 lần so với năm 2018.
Tại Quảng Bình, tính đến hết tuần đầu tháng 10, trên toàn tỉnh đã có gần 6 000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong. Các bệnh viện luôn trong tinh trạng quá tải mặc dù cơ sở vật chất đã được tích cực bổ sung để điều trị bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh.
Tại Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 8, số ca mắc bệnh là 3 500 ca. Trong đó, có 25% số ca được ghi nhận là nguy hiểm. Tính đến cuối tháng 10, tức những ngày gần đây, số ca mắc tại tỉnh Đắk Lắk đã lên tới 21 000 ca, cho thấy dịch vẫn diễn biến rất phức tạp.
Tại Hà Tĩnh, đến nay, số liệu mới nhất cho thấy tổng số ca mắc là 144 ca, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Kon Tum, tính đến nay, có 1 trường hợp đã tử vong do sốt xuất huyết. Số lượng người mắc năm 2019 tại Kon Tum đã lên tới gần 200 người, cao hơn cả tổng số ca mắc của năm 2017 và 2018.
Như vậy, tình hình mắc bệnh sốt xuất huyết đang liên tục gia tăng trên toàn quốc. Sắp tới là thời điểm đỉnh dịch, số ca bệnh có thể tiếp tục tăng nhanh. Với diễn biến phức tạp này, không ai có thể nói trước liệu con số tử vong do sốt xuất huyết có dừng lại ở mức 16 người trong năm 2019 hay không. Tất cả mọi người dân cần hết sức cẩn thận, đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu phổ biến của sốt xuất huyết cũng như áp dụng các biện pháp dự phòng để bảo vệ bản thân khỏi mối nguy hiểm đến từ bệnh này.
Hãy tiếp tục theo dõi các bài đăng tiếp theo để nắm bắt những thông tin mới nhất về dịch bệnh này nhé!