Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Sự thật khủng khiếp về những chất độc trong nguồn nước
Chất độc có trong nước
Trên thế giới từng xảy ra nhiều trường hợp rò rỉ các chất cực độc trong nguồn nước như thủy ngân, cyanua, asen… đe dọa tới cuộc sống của người dân.
Nhiều hoạt động của con người như sản xuất, kinh doanh thường sử dụng lượng lớn hóa chất. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất. Từ đó gây ra một số vụ rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Thậm chí, trong chiến tranh, nguồn nước ở một số quốc gia bị rải các chất độc hóa học xuống đất đai, nguồn nước. Do vậy, tình trạng nước nhiễm độc các hóa chất độc hại khá cao.
Hậu quả là hàng ngàn trường hợp nhiễm bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là căn bệnh ung thư quái ác. Nguồn nước thường bị ô nhiễm bởi các chất cực độc có trong thuốc trừ sâu, kho chứa thuốc, chất độc chiến tranh, các nghĩa địa, làng nghề, chất thải sinh hoạt, công nghiệp… Trong đó, thủy ngân, cyanua và asen là những chất cực độc trong nguồn nước bị nhiễm độc đe dọa tới sức khỏe của con người.
Chất độc Asen – Aresenic
Sử dụng nguồn nước nhiễm asen có thể khiến con người mất mạng
Asen còn gọi là thạch tín, thường tồn tại dưới dạng các hợp chất asenua và asenat. Theo các chuyên gia, asen và các hợp chất của nó được sử dụng như là thuốc trừ dịch hại, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và trong một loạt các hợp kim.
Mức độ độc hại của asen cao gấp 4 lần so với thủy ngân. Do đó, nếu người nào chỉ uống phải một lượng nhỏ asen cũng có thể mất mạng.
Trong đông y, asen được sử dụng như một vị thuốc. Tuy nhiên, nó cũng là chất cực độc có thể giết người vô cùng nguy hiểm. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 6/10.000 người bị ung thư do sử dụng nguồn nước có nồng độ asen lớn hơn 0,01mg/lít nước.
Bên cạnh việc mắc ung thư, người dân sử dụng nguồn nước nhiễm asen có nguy cơ tích tụ chất cực độc này trong người và có thể mắc 19 loại bệnh khác nhau như ung thư da và phổi. Đối với phụ nữ mang thai, việc sử dụng nguồn nước nhiễm asen vô cùng nguy hiểm khi có thể bị động thai, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của thai nhi…
Xem thêm >> Asen mối nguy hại khôn lường trong môi trường nước
Thủy ngân – Mercury
Nguồn nước nhiễm độc thủy ngân gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người dùng
Ô nhiễm thủy ngân trong nguồn nước có thể gây ra hậu quả khó lường từ những hoạt động vô tình hay cố ý của con người. Chất độc hại nguy hiểm chết người này có thể rò rỉ vào nguồn nước từ những hoạt động của việc đào đãi vàng, các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác công nghiệp, đám cháy rừng hay hành động xả thải nước có chứa thủy ngân trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.
Trên thế giới từng xảy ra một số vụ nguồn nước nhiễm độc thủy ngân khiến cuộc sống của hàng ngàn người bị ảnh hưởng. Trong đó gây hoang mang dư luận nhất là vụ Nhà máy Chisso xả nước thải có chứa chất độc thủy ngân ra vịnh Minamata. Vụ việc này được phát giác năm 1956. Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ năm 1932 – 1966, Nhà máy Chisso đã xả thải khoảng 400 tấn thủy ngân.
Do sử dụng các loại hải sản đánh bắt từ vịnh Minamata nhiễm độc thủy ngân nên người dân ở thành phố Minamata, tỉnh Kumamoto mắc phải căn bệnh Minamata nguy hiểm. Theo đó, người mắc bệnh Minamata do nhiễm độc thủy ngân có ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh, với những triệu chứng bao gồm: mất khả năng nghe, tầm nhìn hướng tâm bị che khuất, nói khó khăn, không điều khiển được hoạt động, tứ chi run rẩy, giác quan yếu, run không kiểm soát, tê chân tay, hạn chế tầm nhìn, co giật và đau đớn.
Số liệu thống kê của của Tổ chức Y tế thế giới, chất thải kim loại chứa methyl thủy ngân từ Nhà máy Chisso thải ra vịnh Minamata đã ảnh hưởng tối thiểu 50.000 người. Tuy nhiên, tính đến năm 2009, chỉ có hơn 13.000 người nhiễm bệnh được công nhận.
Cyanua
Hoạt động đào đãi vàng sa khoáng có thể gây ô nhiễm Cyanua
Cyanua là chất cực độc nếu không may rò rỉ vào nguồn nước có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Con người thường sử dụng Cyanua trong quá trình đào đãi vàng sa khoáng. Theo đó, người ta sử dụng cyanua dùng để ủ vào trong hầm chứa đất có quặng vàng, ngâm trong 15 ngày trước khi đốt rồi bới tìm vàng. Hậu quả là nước từ trong các hầm ủ này rò rỉ ra cỏ, đất đai hoặc nguồn nước khiến động vật và con người nhiễm bệnh, thậm chí là tử vong.
Nhiễm một lượng lớn Cyanua có thể gây chết người. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm do nhiễm độc Cyanua còn phụ thuộc vào thành phần hình thành nên chất độc hại này. Trong đó, nếu người nào nhiễm độc một lượng lớn Cyanua trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng lớn đến não bộ, tim mạch và có thể khiến bệnh nhân hôn mê và tử vong.
Một số triệu chứng của người nhiễm độc Cyanua đó là thở dốc, sâu và nhanh, co giật, nôn mửa, đau đầu và bất tỉnh. Ô nhiễm hóa học do khai thác và tuyển quặng vàng tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường đối với nguồn nước sinh hoạt và nước nông nghiệp. Theo đó, ngoài thủy ngân, Cyanua, những nguyên tố kim loại nặng cộng sinh như asen, antimoan, các loại quặng sunfua có thể rửa, hòa tan vào nước. Thêm vào đó, một số kim loại nặng và hợp chất độc như CN, Hg, As, Pb… có trong nước thải công nghiệp nếu không được xử lý khoa học mà đổ ra môi trường có thể gây ô nhiễm nước.
Chì – Lead
Chì có thể xâm nhập vào nguồn nước qua các ống dẫn nước cũ. Chì là kim loại nặng, tích tụ trong cơ thể và gây tác động xấu đến hệ thần kinh, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em.
Nitrat và Nitrit (Phân bón và thuốc trừ sâu)
Các hợp chất nitrat/nitrit có trong phân bón và thuốc trừ sâu thấm vào nước ngầm. Chúng gây ảnh hưởng xấu đến trẻ sơ sinh và có thể gây ra bệnh “hội chứng da xanh”.
Các chất ô nhiễm hữu cơ (VOC)
VOC từ sản phẩm hóa chất công nghiệp như xăng dầu, dung môi, và chất tẩy rửa công nghiệp có thể thấm vào nguồn nước. Một số VOC là chất gây ung thư và ảnh hưởng đến gan và hệ thần kinh.
Kết luận
Các chất độc trong nước thường xuất hiện do ô nhiễm môi trường. Môi trường nước cực kỳ quan trọng do ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người và các loài vật. Mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức và chung tay bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.
Xem thêm>> Bảo vệ môi trường nước
Xem thêm >> Ngừng sử dụng chai nhựa để bảo vệ môi trường